Cây hoa hòe và 13 công dụng chữa bệnh không thể ngờ
Cây hoa hòe là một trong những cây thuốc dân gian chữa trị các bệnh về huyết áp cao, cầm máu, chống viêm, chống co thắt, … Đây là một loại cây được trồng rất phổ biến ở nhiều vùng thuộc đất nước ta. Tuy nhiên, cây hoa hòe có tác dụng gì, cách dùng như thế nào thì vẫn còn ít người biết. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ thông tin về Cây hoa hòe, để có hướng sử dụng trong điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe một cách hợp lý.
Cây hoa hòe là cây gì?
Mục lục nội dung
Còn gọi là hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa.
Tên khoa học Sophora japonica L.
Thuộc họ cánh bướm Fabaceae Papilionaceae (Papilionaceae)
Người ta thường dùng hoa hòe hay hòe hoa (Flos Sophorae japonicae) là hoa chưa nở, được phơi hay sấy khô của cây hòe. Nhiều khi dùng cả quả hòe hay hòe giác (Fructus Sophorae japonicae).

Mô tả cây
Cây hoa hòe là một cây to cao 5-6m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có từ 7 đến 17 lá chét. Hoa mọc thành bông, cánh bướm màu vàng trắng. Quả là một giáp dài hoặc hơi cong. Giữa các hạt quả hơi thắt lại. Mùa hoa: Các tháng 7, 8, 9.
Thành phần hóa học
Trong hoa hòe có từ 6-30% rutin (rutozit) Trong quả hòe cũng có chứa chất này.
Tác dụng dược lý
Rutin là một loại vitamin P, có tác dụng chủ yếu là bảo vệ sức chịu đựng của mao mạch. Thiếu chất vitamin này tính chất chịu đựng của mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt vỡ, hiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C mà có, gần đây mới phát hiện sự liên quan đối với vitamin P.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây hoa hòe mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, vì trước đây người ta dùng để uống nước cho ”mát” và dùng để nhuộm màu vàng. Hàng năm khả năng ta có thể thu mua rất nhiều, thừa dùng trong nước. Nhưng gần đây nhu cầu xuất khẩu lớn cho nên ta đang phát triển trồng. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành. Sau 3-4 năm bắt đầu thu hoạch. Cây sống lâu, càng những năm sau thu hoạch càng cao. Hoa phải hái lúc còn nụ mới chứa nhiều hoạt chất. Phơi hay sấy khô.

Công dụng và liều dùng
+ Tính chất hoa hòe theo tài liệu cổ: Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hoa vào hai kinh can và đại tràng. Quả vào kinh can. Có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết (hoa). Quả tính chất gần như hoa nhưng có thể gây ra thai. Dùng chữa xích bạch lỵ, trĩ ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, phụ nữ băng huyết.
+ Hiện nay nhân dân dùng hoa hòe làm thuốc cầm máu, dùng trong những bệnh ho ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện ra máu, ruột chảy máu. Ngày uống 5- 20 gam dưới dạng thuốc sắc.
+ Rutin thường dùng cho bệnh nhân bị cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, để đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi mà không rõ nguyên nhân, còn có tác dụng đối với bệnh tăng huyết áp. Rutin thường được chế thành thuốc viên, mỗi viên có 0,02g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 vên hoặc 2 viên (0,06-0,12g một ngày).
Các công dụng chữa bệnh khác của Cây hoa hòe
1. Chữa tăng huyết áp:
Bài 1: Hoa hòe 25g, Tang ký sinh 25g, Hạ khô thảo 20g, Xuyên khung 20g, Địa long 15g. Sắc uống nước.
Nếu mất ngủ gia thêm Toan táo nhân sao 15g, Dạ giao đằng25g.
Đau ngực gia thêm Đan sâm 20g, Qua lâu nhân 20g; có cơn đau thắt ngực gia thêm hồ sách 12g, Phật thủ 20g, bột Tam thất 7,5g; di chứng tai biến mạch máu não gia thêm Ngưu bàng tử 25g, Câu đằng 30g; vữa xơ động mạch gia thêm Trạch tả 20g.
Có thể bạn quan tâm: Huyết áp cao gây biến chứng suy thận
Bài 2: Hoa hòe 15g, Cát căn 30g, Sung úy tử 15g, sắc uống. Nếu đau tức ngực gia thêm đan sâm 30g, hà thủ ô 30g; hồi hộp trống ngực và mất ngủ gia thêm Toan táo nhân 15g; tê tay chân gia thêm Sơn tra 30g, Địa long 10g; tiểu đêm nhiều lần gia thêm Sơn thù 10g, Nhục thung dung 15g.
2. Đau đầu, choáng váng, ngón tay hơi tê:
Nụ hòe (sao vàng), Hạt muồng (sao), Tâm sen, 3 vị bằng nhau, sao khô, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng từ 10-20g.
3. Trĩ bị sưng đau:
Quả hòe phối hợp với Khổ sâm lượng bằng nhau nghiền thành bột hòa với nước bôi ngoài.
4. Đại tiện ra máu:
Bài 1: Hoa hòe, Trắc bá diệp, Kinh giới tuệ và Chỉ xác, lượng bằng nhau,sấy khô, tán bột mỗi lần uống 6g với nước cơm.
Bài 2: Hoa hòe sống và sao mỗi thứ 15g, Chỉ tử 30g, tán bột, uống mỗi lần 6g.
Bài 3: Hoa hòe 60g, Địa du 45g, Thương truật 45g, Cam thảo 30g, sao thơm sấy khô, tán bột uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g.
Bài 4: Hoa hòe 15g, quả Hòe 15g,Hoạt thạch 15g, Sinh địa 12g, Kim ngân hoa 12g, Đương quy 12g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 10g, Hoàng bá 10g, Thăng ma 6g, Sài hồ 6g, Chỉ xác 6g, Cam thảo 3g,sắc uống. Nếu chảy máu nhiều gia thêm Kinh giới 10g, Địa du 15g, Trắc bá diệp sao đen 15g; thể trạng hư yếu gia Đẳng sâm 15g, Hoàng kỳ 15g, Hoài sơn 15g; thiếu máu nhiều gia Hoàng kỳ 15g, Thục địa 12g.
5. Lợi tiểu, an hàn dễ ngủ
Sử dụng Hoa hòe khô hãn thành nước chè uống hàng ngày.
6. Đi tiểu ra máu
Hoa hòe sao30g, Uất kim 30g, tán bột, uống mỗi lần 6g để chữa niệu huyết; Hoa hòe sao quá lửa, tán bột, uống mỗi lần 3g để trị huyết lâm.
7. Băng huyết, khí hư
Hoa hòe lâu năm 30g, Bách thảo sương 15g, tán bột, uống mỗi lần 9-12g với rượu ấm để chữa băng huyết; Hoa hòe sao, Mẫu lệ nung, lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi lần 9g với rượu ấm để chữa bạch đới (khí hư máu trắng).
8. Kiết lỵ
Hoa hòe sao 9g, Bạch thược sao 9g, Chỉ xác 3g, Cam thảo 1,5g sắc uống.
9. Chảy máu cam:
Bài 1: Hoa hòe và Ô tặc cốt, lượng bằng nhau, nửa sống nửa sao, tán bột,mỗi lần lấy một ít thổi vào lỗ mũi.
Bài 2: Hoa hòe phơi âm can, tán bột, rắc lên lưỡi có thể chữa chảy máu lưỡi.
10. Chữa viêm loét
Hoa hòe 15g, Kim ngân hoa 15g, sắc với 2 bát rượu uống cho ra mồ hôi. Với tổn thương viêm loét về mùa hạ có thể dùng Hoa hòe 60g sắc đặc rồi dùng bông thấm dịch thuốc bôi lên nơi bị nhiều lần trong ngày.
11. Lao hạch cổ
Hoa hòe 2 phần,Gạo nếp 1 phần, sao vàng, tán bột, mỗi sáng sớm uống 10g khi bụng đói, chú ý khi dùng thuốc không được ăn đường.
12. Bệnh ngoài da
Hoa hòe sống 30g, Thổ phục linh 30g, Cam thảo9g, sắc hoặc hãm uống thay trà hàng ngày.
13. Viêm tuyến vú cấp tính
Hoa hòe sao vàng tán bột, mỗi ngày uống 15g với rượu vàng pha loãng nửa rượu nửa nước. Hoa hòe tính hơi lạnh nên những người tỳ vị hư hàn biểu hiện bằng các triệu chứng như hay đau bụng do lạnh, thích chườm nóng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện thường xuyên lỏng nát…thì không dùng được vị thuốc này, nếu cần dùng thì phải phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng.
Tài liệu tham khảo:
Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – GS.TS khoa học Đỗ Tất Lợi
Hãy dành 2 phút để gọi tới 18006805 (miễn cước phí) để được tư vấn thêm về tình trạng tiểu đêm nhiều lần, đau mỏi ngang thắt lưng, chân tay lạnh do suy giảm chức năng thận
>> Tìm hiểu về Thận Khí Khang – Hỗ trợ giúp khỏe thận, hỗ trợ giảm đi tiểu đêm và hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ suy thận TẠI ĐÂY
>> Để lại số điện thoại nhận tư vấn miễn phí hoặc tìm mua Thận Khí Khang tại các nhà thuốc, hãy xem TẠI ĐÂY
Để lại ngay số điện thoại để được chuyên gia tư vấn
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.